Sân khấu truyền thống nhộn nhịp mùa cuối năm

VHO- Sân khấu TP.HCM đang bước vào mùa biểu diễn sôi động nhất. Bằng nhiều cách, giới nghề đã đưa sân khấu đến gần hơn với công chúng. Các buổi biểu diễn không còn gói gọn sau bức màn nhung truyền thống, mà để thích ứng với bối cảnh, các nghệ sĩ đã trình diễn vào mọi lúc, mọi nơi, dù là sân khấu dã chiến hạn chế về phương tiện kỹ thuật, nhưng họ vẫn thể hiện hết mình, tiếp cận với những khán giả mới lần đầu làm quen với nghệ thuật truyền thống như du khách nước ngoài, các em nhỏ, HSSV…

Sân khấu truyền thống nhộn nhịp mùa cuối năm - Anh 1

Sân khấu mới Đại Việt sẽ giới thiệu đến khán giả vở “Truyền thuyết chàng Sa Mộc” vào ngày 23.12 tới đây

 Thời điểm này, các nhà hát, sân khấu liên tục lên lịch diễn, cho ra mắt nhiều chương trình với giá “mềm” để thu hút người xem. Đáng chú ý, mới đây, TP.HCM có thêm hai sân khấu biểu diễn, góp thêm ánh đèn cho loại hình nghệ thuật này càng nhộn nhịp trong những ngày cận Tết. Nếu như trước đây, các đoàn hát chỉ diễn ở sân khấu cố định và đợi chờ khán giả mộ điệu tìm đến thưởng thức, thì giờ đây, để nghệ thuật sân khấu trở nên đại chúng hơn, giới nghề đã nỗ lực đưa các chương trình đến với mọi đối tượng khán giả.

Mới đây, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phối hợp với Trường ĐH FPT TP.HCM tổ chức chương trình giới thiệu nhạc cụ dân tộc và trình diễn Cải lương. Suất đặc biệt nhân dịp TP.HCM tổ chức “Tuần lễ du lịch” cũng nằm trong chương trình mang âm nhạc dân tộc và Cải lương đến các trường học, điểm du lịch trên địa bàn TP theo sự chỉ đạo của Sở VHTT TP.HCM. Tại đây, du khách trong và ngoài nước đã được nghe trình tấu và giới thiệu tính năng các loại nhạc cụ độc đáo như bầu, tranh, sáo, nguyệt, tỳ bà, cùng các làn điệu Cải lương quen thuộc và hình thức đố vui như nghe giai điệu từ nhạc cụ dân tộc đoán tên bài hát; giới thiệu ngắn về các loại nhạc cụ dân tộc Việt… Song song đó, chương trình giới thiệu nhạc cụ dân tộc và sân khấu Cải lương cũng đến với học sinh các trường THCS Hoa Lư, THPT Dương Văn Thì, Tiểu học Lê Văn Việt, Tiểu học Nguyễn Hiền, Tiểu học Phước Bình, Tiểu học Linh Chiểu (TP Thủ Đức) trong tháng 12.2022.

Cuối tuần qua, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang diễn vở Ngai vàng và tội ác với sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi. Cùng ngày, tại rạp Hồng Liên, nghệ sĩ Kim Tử Long giới thiệu đến khán giả vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài với nhiều nghệ sĩ ngôi sao… Sau thời gian dài ấp ủ, ngày 18.12, Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh của nghệ sĩ hài Minh Nhí đã chính thức ra mắt tại địa chỉ 22 Vĩnh Viễn, phường 2, quận 10. Được biết, đây không chỉ là nơi biểu diễn mà còn có các lớp đào tạo cho lực lượng nghệ sĩ và những bạn trẻ yêu nghệ thuật sân khấu.

Trước đó, tháng 11.2022, Nhà hát Thanh niên của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu IDECAF phối hợp với Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM cũng chính thức đi vào hoạt động. Nhà hát ra đời lập tức gây chú ý khi vở mở màn là 12 bà mụ liên tục cháy vé. Trên đà thuận lợi, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn tiếp tục triển khai sân khấu Cải lương tại đây. Cụ thể, vào ngày 1 và 2.1.2023, Nhà hát Thanh Niên sẽ giới thiệu vở Cải lương Vương quyền (HCV trong LH sân khấu Thủ đô tại Hà Nội; tác giả Bích Ngân, chuyển thể Cải lương Hoàng Song Việt, đạo diễn Lê Nguyên Đạt). Đáng chú ý, vở diễn bán vé với mức giá rất “mềm”, cao nhất chỉ là 500.000 đồng/vé. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, vé Cải lương hiện nay quá cao khiến nhiều khán giả ngại không dám mua, vì thế, với việc hạ giá vé, ông bầu Nhà hát này mong muốn Cải lương tới được nhiều người hơn, đặc biệt là khán giả trẻ.

Sau Vương quyền, tối 7 và 8.1.2023, Nhà hát Thanh Niên tiếp tục giới thiệu chương trình Cải lương tuồng cổ kỷ niệm 55 năm theo nghiệp hát của nghệ sĩ Bạch Long, có tên gọi Ăn cơm Tổ, khổ vẫn cười. Chương trình có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi danh từ lò đào tạo Đồng ấu Bạch Long như Vũ Luân, Tú Sương, Tâm Tâm, Trinh Trinh, Bình Tinh, Lê Thanh Thảo, Xuân Trúc... và sự góp mặt của hai ngôi sao là nghệ sĩ Kim Tử Long và Võ Minh Lâm. Nhà hát Thanh niên với 400 ghế tầng trệt (giá vé bình thường) và 300 ghế trên lầu (vé ưu đãi cho HSSV), không gian không quá nhỏ cũng không quá lớn, đủ để tạo không khí ấm áp, vừa vặn cho một vở diễn.

Vào tối 23.12 tới đây, tại UBND xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi, TP.HCM), Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sẽ biểu diễn một suất duy nhất để phục vụ người dân. Chương trình quy tụ nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ đạt HCV Trần Hữu Trang; HCV Hội diễn sân khấu toàn quốc; các nghệ sĩ Chuông vàng, Chuông bạc vọng cổ... Cùng ngày, Sân khấu mới Đại Việt giới thiệu vở Truyền thuyết chàng Sa Mộc, vở diễn vừa giành HCV trong Liên hoan Cải lương toàn quốc tại Long An. Cũng tại Nhà hát Trần Hữu Trang, tối 7.1.2023 tới, nghệ sĩ trẻ Hoàng Hải ra mắt vở diễn Loạn thế anh hùng, có sự tham gia góp mặt của các nghệ sĩ như Tú Sương, Hữu Quốc, Phương Cẩm Ngọc, Thy Trang, Nguyễn Văn Mẹo, Chi Bảo… 

TÙNG THƯ

Ý kiến bạn đọc